Ví dụ về công ty hợp danh ở Việt Nam và chủ doanh nghiệp tư nhân có được góp vốn vào công ty hợp danh không?

những câu hỏi về công ty hợp danh
Thắc mắc công ty hợp danh

Có phải bạn đang có vô vàn những câu hỏi về công ty hợp danh đúng không? Và bạn cũng không thể nào hình dung được liệu loại hình công ty hợp danh này có điểm gì khác biệt so với những loại hình doanh nghiệp khác? Trong bài viết này, đội ngũ STARTUPLAND sẽ cùng đồng hành và giải đáp toàn bộ mọi thắc mắc về công ty hợp danh nhé. Hãy lưu lại lại bài viết lại và cùng bắt đầu nào!

Trong bài viết này, STARTUPLAND sẽ trích các Điều công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp 2014

Điều này nhằm mục đích giúp bạn có thể hiểu rõ, nắm sâu hơn và trả lời được các câu hỏi tình huống về công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp 2014. Nên các bạn hãy ráng theo dõi bài viết và đọc thật kỹ nhé!

1. Công ty hợp danh là gì?

Công ty hợp danh là gì?

1.1 Định nghĩa công ty hợp danh

Theo Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2014, một công ty được gọi là công ty hợp danh khi và chỉ khi: 

Có ít nhất 2 thành viên hay chủ sở hữu của công ty cùng nhau hợp tác kinh doanh dưới một tên công ty chung ( Hay còn gọi là thành viên hợp danh 

Ngoài ra, loại hình công ty hợp danh còn cho phép các chủ sở hữu có thể huy động nguồn vốn từ một cá nhân hay các tổ chức ( hay còn lại là thành viên góp vốn )

1.2 Đặc điểm của công ty hợp danh.

Tham khảo bài viết

Có nên thành lập công ty hợp danh năm 2021 không?
  1. Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì bắt buộc tất cả thành viên hợp danh phải có chứng chỉ hành nghề.
  2. Cách thành viên hợp danh ( các chủ sở hữu ) phải là những cá thể không phải tổ chức và chịu trách nhiệm bằng tất cả tài của của mình. 
  3. Đối với các thành viên góp vốn thì chịu trách nhiệm trên phần vốn góp vào về các khoản nợ của công ty hợp danh.
  4. Tuy công ty hợp danh có huy động nguồn vốn góp ( các thành viên góp vốn ) nhưng loại hình này không được phát hành các loại chứng khoán, cổ phần, cổ phiếu.

1.3 Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân không?

Câu hỏi về công ty hợp danh có tư cách pháp nhân?

Câu hỏi về tư cách pháp nhân của công ty hợp danh chắc hẳn là câu hỏi mà các chủ kinh doanh hay các chủ đầu tư vô cùng quan tâm bởi loại hình công ty hợp danh vẫn còn khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam.

Các công ty hợp danh ở Việt Nam sẽ có tư cách pháp nhân kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vì thế, các bạn hãy yên tâm về vấn đề này nhé.

1.4 Tại sao công ty hợp danh không được chia, tách?

Câu hỏi về công ty hợp danh: Công ty hợp danh được chia, tách công ty?

Về việc chia công ty thì theo Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2014, công ty TNHH và công ty cổ phần được phép chia các tài sản công ty, thành viên góp vốn, cổ đông thành nhiều công ty mới theo một số quy định nhất định.

Về việc tách công ty thì theo Điều 193 của bộ Luật Doanh nghiệp 2014, công ty TNHH và công ty cổ phần có thể dùng quyền nghĩa vụ của công ty, vốn tài sản để tách thành những công ty TNHH, công ty cổ phẩn mới mà không chấm dứt sự phát triển của công ty cũtheo một số quy định nhất định.

Từ đó cho thấy nếu bạn sở hữu công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, những loại hình doanh nghiệp không nằm trong những điều trên sẽ không được chia hoặc tách công ty.

Tham khảo thêm:

Thành lập công ty hợp danh có nên hay không?

2. Ví dụ về công ty hợp danh ở Việt Nam

Một số ví dụ về công ty hợp danh ở Việt Nam như:

  • Công ty Luật Hợp Danh Legal Associates.
  • Công ty Luật Hợp Danh Bros và cộng sự.
  • Công ty Luật Hợp Danh The Light.
  • Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam.
  • Công ty Hợp danh Đấu giá Tây Bắc.

3. Các công ty hợp danh ở Việt Nam là công ty đối nhân hay đối vốn?

Câu hỏi về công ty hợp danh: Công ty đối nhân hay đối vốn?

Công ty Cổ Phần, công ty trắc nhiệm hữu hạn (TNHH) là các hình thức của công ty đối vốn thì công ty hợp danh sẽ là hình thức của công ty đối nhân.

Vì trong công ty hợp danh, giữa tài sản công ty và tài sản cá nhân không có sự phân biệt rõ ràng. 

Thường được thành lập từ những người thân thiết, có uy tín cùng nhau hùng vốn để sáng lập. Và phải chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty.

4. Nguồn vốn của công ty hợp danh là gì?

Theo điều 3, Luật doanh nghiệp 2014 thì loại tiền tệ góp vốn vào công ty là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Công ty hợp danh hoạt động dựa trên hai nguồn vốn:

4.1 Vốn điều lệ của công ty hợp danh 

là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty (theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014).

4.2 Vốn vay từ các nguồn bên ngoài

Các nguồn vốn vay bên ngoài như vay tổ chức, cá nhân trong nước/ngoài nước, vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng, liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức khác, nhận viện trợ, các hình thức tín dụng đặc biệt.

Lưu ý: 

Nếu kinh doanh ngành nghề có yêu cầu vốn pháp định thì công ty phải đáp ứng đủ số vốn trong điều kiện này thì mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tư cách pháp nhân

5. Công ty hợp danh có được tăng giảm vốn điều lệ?

Công ty hợp danh có được tăng giảm vốn điều lệ?

Công ty hợp danh được phép tăng hoặc giảm vốn điều lệ trong trường hợp:

5.1 Trong trường công ty hợp danh tăng vốn 

Công ty có thể kêu gọi các thành viên hợp danh ( có thể là các tổ chức hoặc cá nhân ) góp thêm vốn hoặc tiếp nhận thêm thành viên hợp danh mới. 

Cả hai cách này đều phải làm thủ tục Thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định tại Khoản 14, Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP (với trường hợp góp thêm vốn) và Điều 42, Nghị định 78/2015/NĐ-CP (với trường hợp thêm thành viên mới).

5.2 Trong trường hợp công ty hợp danh giảm vốn

Về vấn đề giảm vốn sẽ căn cứ vào các yếu tố về khoản nợ và các trách nhiệm về nghĩa vụ tài sản của các thành viên công ty hợp danh.

Công ty hợp danh muốn giảm vốn thì phải đảm bảo cam kết toàn phần trách nhiệm thanh toán của mình về các khoản trên, phải được hoàn thành đúng hạn và đúng nghĩa vụ.

6. Thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần góp vốn như thế nào?

Theo điều 173, Luật doanh nghiệp 2014:

1.    Thành viên công ty hợp danh thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết.

2.    Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.

3.     Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

4.    Tại thời điểm góp đủ vốn như đã cam kết, thành viên được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
  • Vốn điều lệ của công ty;
  • Tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên; loại thành viên;
  • Giá trị phần vốn góp và loại tài sản góp vốn của thành viên;
  • Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;
  • Quyền và nghĩa vụ của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp;
  • Họ, tên, chữ ký của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp và của các thành viên hợp danh của công ty.

5.    Trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thành viên được công ty cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp.

7. Câu hỏi về thành viên công ty hợp danh và thành viên góp vốn của công ty

Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn

7.1 Một số hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh

Căn cứ vào Điều 175, Luật doanh nghiệp 2014:

1.    Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

2.    Thành viên công ty hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

3. Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

Luật doanh nghiệp 2014 có quy định hai điều sau về công ty hợp danh:

Điều thứ 1: Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty (Điều 172).

Điều thứ 2: Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty (Điều 176).

Căn cứ vào hai điều trên, ta có thể trả lời được những thắc mắc như sau:

Cách thành viên hợp danh có thể vừa là thành viên hợp danh vừa là chủ doanh nghiệp tư nhân không?

Câu hỏi về công ty hợp danh: doanh nghiệp tư nhân có thể làm chủ công ty hợp danh?

Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới về các nghĩa vụ của công ty, mà chủ doanh nghiệp tư nhân cũng phải chịu trách nhiệm vô hạn về nghĩa vụ tài sản của công ty. 

Do đó, nếu một thành viên vừa làm chủ doanh nghiệp tư nhân, vừa là thành viên của công ty hợp danh, khi xảy ra sự cố có liên quan đến việc bồi thường tài sản hoặc phải thanh toán nợ quá nguồn vốn dự kiến thì sẽ làm ảnh hưởng đến các thành viên hợp danh còn lại của công ty bởi các tính chất đặc trưng của thành viên hợp danh. 

Vì vậy, mà pháp luật không cho phép cá nhân được làm thành viên hợp danh của hai công ty cùng một lúc hoặc vừa làm thành viên hợp danh của công ty này, vừa làm chủ doanh nghiệp tư nhân của công ty khác nếu các thành viên hợp danh còn lại không cho phép.

Thành viên hợp danh có được chuyển nhượng phần vốn góp cho một cá nhân, tổ chức không?

Như phân tích ở mục 1.2, công ty hợp danh là công ty đối nhân, việc thành lập công ty và cả quá trình hoạt động dựa trên sự uy tín của các thành viên.

Do đó, pháp luật mới quy định: “Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác” để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cả công ty.

Vừa chịu trách nhiệm vô hạn, vừa mang tính chất đối nhân nên việc chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho cá thân/tổ chức khác là chuyện không thể.

Nhưng đối với Việt Nam, pháp luật vẫn tôn trọng quyết định của đôi bên. Nên nếu các thành viên hợp danh khác đồng ý thì thành viên hợp danh này mới được phép thực hiện những hạn chế do pháp luật quy định.

Chủ doanh nghiệp tư nhân có được góp vốn vào công ty khác không?

Tham khảo thêm:

Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể góp vốn vào doanh nghiệp khác hay không?

Như đã nói ở trên, chủ doanh nghiệp tư nhân là cá nhân tự bỏ vốn ra thành lập công ty và cá nhân đó cũng sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm trên số vốn đã khai báo.

Vì thế, chủ doanh nghiệp tư nhân không được phép góp vốn vào công ty khác. Thậm chí là mua cổ phần công ty khác.

Tham khảo thêm:

Một Người Có Được Thành Lập 2 Công Ty Không?

7.2 Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh

Căn cứ vào Điều 176, Luật doanh nghiệp 2014

Thành viên hợp danh có các quyền sau đây: 

Quyền lợi kinh tế, quyền quản lý thông tin và các quyền khác…

a)    Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty; mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty;

b)    Nhân danh công ty tiến hành hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty;

c)     Sử dụng con dấu, tài sản của công ty để hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; trường hợp ứng trước tiền của mình để thực hiện công việc kinh doanh của công ty thì có quyền yêu cầu công ty hoàn trả lại cả số tiền gốc và lãi theo lãi suất thị trường trên số tiền gốc đã ứng trước;

d)    Yêu cầu công ty bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh trong thẩm quyền nếu thiệt hại đó xảy ra không phải do sai sót cá nhân của chính thành viên đó;

e)    Yêu cầu công ty, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty; kiểm tra tài sản, sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty khi xét thấy cần thiết;

f)     Được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty;

g)    Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia một phần giá trị tài sản còn lại tương ứng theo tỷ lệ phần vốn góp vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác;

h)    Trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;

i)     Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Thành viên hợp danh có các nghĩa vụ sau đây: 

Nghĩa vụ quản lý, nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác…

a)    Tiến hành quản lý và thực hiện công việc kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng và tốt nhất bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty;

b)    Tiến hành quản lý và hoạt động kinh doanh của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Hội đồng thành viên; nếu làm trái quy định tại điểm này, gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;

c)    Không được sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

d)    Hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản đã nhận và bồi thường thiệt hại gây ra đối với công ty trong trường hợp nhân danh công ty, nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác để nhận tiền hoặc tài sản khác từ hoạt động kinh doanh của công ty mà không đem nộp cho công ty;

e)    Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty;

f)     Chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ;

g)    Định kỳ hằng tháng báo cáo trung thực, chính xác bằng văn bản tình hình và kết quả kinh doanh của mình với công ty; cung cấp thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của mình cho thành viên có yêu cầu;

h)    Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

7.3 Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh

Căn cứ Điều 180, Luật doanh nghiệp 2014

1. Tư cách thành viên hợp danh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a)    Tự nguyện rút vốn khỏi công ty;

b)    Đã chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

c)    Bị khai trừ khỏi công ty;

d)    Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

2. Thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Trường hợp này, thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất 06 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.

3. Thành viên hợp danh bị khai trừ khỏi công ty trong các trường hợp sau đây:

a)    Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai;

b)    Vi phạm quy định tại Điều 175 của Luật doanh nghiệp;

c)    Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và các thành viên khác;

d)    Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của thành viên hợp danh.

4. Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của thành viên bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì phần vốn góp của thành viên đó được hoàn trả công bằng và thỏa đáng.

5. Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.

6. Sau khi chấm dứt tư cách thành viên, nếu tên của thành viên bị chấm dứt đã được sử dụng làm thành một phần hoặc toàn bộ tên công ty thì người đó hoặc người thừa kế, người đại diện theo pháp luật của họ có quyền yêu cầu công ty chấm dứt việc sử dụng tên đó.

7.4 Tiếp nhận thành viên mới

Căn cứ Điều 181, Luật doanh nghiệp 2014

1.    Công ty có thể tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn; việc tiếp nhận thành viên mới của công ty phải được Hội đồng thành viên chấp thuận.

2.    Thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn phải nộp đủ số vốn cam kết góp vào công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được chấp thuận, trừ trường hợp Hội đồng thành viên quyết định thời hạn khác.

3.    Thành viên hợp danh mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, trừ trường hợp thành viên đó và các thành viên còn lại có thỏa thuận khác.

7.5 Quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn

Căn cứ Điều 182, Luật doanh nghiệp 2014

Thành viên góp vốn có các quyền sau đây:

a)    Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại và giải thể công ty và các nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ;

b)    Được chia lợi nhuận hằng năm tương ứng với tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ của công ty;

c)    Được cung cấp báo cáo tài chính hằng năm của công ty; có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty; xem xét sổ kế toán, biên bản, hợp đồng, giao dịch, hồ sơ và tài liệu khác của công ty;

d)    Chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác;

e)    Nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác tiến hành kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty;

f)     Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; trường hợp chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty;

g)    Được chia một phần giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản;

h)    Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Thành viên góp vốn có các nghĩa vụ sau đây:

a)    Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp;

b)    Không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty;

c)    Tuân thủ Điều lệ, nội quy công ty và quyết định của Hội đồng thành viên;

d)    Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty

8. Vì sao thành viên hợp danh chỉ có thể là cá nhân, còn thành viên góp vốn có thể là tổ chức? 

Vì thành viên hợp danh được phép tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tất cả các vấn đề về hoạt động kinh doanh của công ty. 

Nên nếu thành viên hợp danh được là tổ chức sẽ có thể xảy ra trường hợp thâu tóm công ty, biến công ty hợp danh trở thành chi nhánh công ty. 

Từ đó, dẫn đến sự rối loạn trong việc quản lý, và khi xảy ra các vấn đề liên quan đến tài chính sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tính chất đặc trưng của công ty hợp danh là chịu trách nhiệm vô hạn, liên đới.

Còn thành viên góp vốn có thể là tổ chức là do thành viên này không có các quyền của thành viên hợp danh ở Điều 176, Luật doanh nghiệp 2014. 

Nên việc thâu tóm, biến công ty hợp danh thành chi nhánh là chuyện xảy ra.

9. Vì sao số lượng công ty hợp danh tại Việt Nam không nhiều?

Số lượng công ty hợp danh ở Việt Nam thấp?

Từ thống kê doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và đầu tư, cho đến ngày 20/11/2007 thì tổng số lượng công ty hợp danh có mặt trên khắp cả nước Việt Nam là 26 trên tổng số 59.446 của các loại hình kinh doanh khác. 

Qua số liệu đó, ta có thể thấy được số lượng công ty hợp danh hiện đang có mặt tại Việt Nam là một con số rất ít ỏi. 

Cũng vì một số tính chất đặc trưng của công ty hợp danh mà các cá nhân/tổ chức ít lựa chọn loại hình này để hoạt động kinh doanh:

+ Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới, không chỉ là tài sản góp vốn vào công ty, mà còn phải sử dụng cả tài sản cá nhân của mình để chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty. Như vậy, thì rủi ro mất trắng tài sản của các thành viên trong kinh doanh là rất cao.

+ Công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào, chỉ được huy động vốn từ các thành viên hợp danh, hoặc các thành viên góp vốn. Điều này, rất hạn chế trong việc huy động  để mở rộng quy mô kinh doanh hoặc các trường hợp khác của công ty.

+ Các thành viên hợp danh trong ty đều là các đại diện pháp luật, trực tiếp tiến hành các hoạt động thỏa thuận, ký kết với khách hàng trên nhân danh công ty. Do đó, rủi ro là rất lớn cho các thành viên còn lại.

10. Kinh doanh ngành nghề nào thì nên thành lập công ty hợp danh?

Công ty hợp danh không bị giới hạn bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào.

Công ty hợp danh chỉ cần đảm bảo toàn phần trách nhiệm của mình về các nghĩa vụ, điều kiện để duy trì đầu tư kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động cho các ngành nghề đầu tư có điều kiện của Luật đầu tư thì sẽ được kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào mà công ty mong muốn.

11. 11 Giấy tờ và thủ tục thành lập công ty hợp danh

Giấy tờ thành lập công ty hợp danh

11.1 Chuẩn bị hồ sơ

–  Bản sao CMND/CCCD hoặc Hộ chiếu hoặc bản có chứng thực không quá 3 tháng của thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.

– Danh sách các thành viên của công ty

– Văn bản điều lệ công ty (Đầy đủ họ và tên, chữ ký của các thành viên hợp danh)

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu của cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền ban hành

– Chứng chỉ hành nghề của các thành viên hợp danh trong công ty (Nếu ngành nghề kinh doanh có yêu cầu)

 – Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Nếu ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định)

– Giấy tờ bản sao đi kèm:

  • Bản sao giấy chứng nhận đầu tư (Đối với nhà đầu tư nước ngoài)
  • Quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác, bản sao Điều lệ công ty, biên bản, quyết định về góp vốn thành lập công ty, CMND/CCCD, hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền (Đối với thành viên góp vốn là tổ chức)

11.2 Nộp hồ sơ thành lập

Nộp trực tiếp hồ sơ tại phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính theo Điều 27, Nghị Định 78/2015/NĐ-CP hoặc có thể nộp hồ sơ online qua website đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở.

11.3 Nhận kết quả

Nhận kết quả từ phòng Đăng ký kinh doanh (Sau 03 ngày, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ)

11.4 Công bố thông tin công ty và khắc con dấu

Sau khi nhận được giấy phép kinh doanh, thì công ty tiếp tục thực hiện công bố công khai lên cổng thông tin doanh nghiệp. Và khắc mẫu con dấu để quá trình hoạt động kinh doanh được bắt đầu đầy đủ cơ sở pháp lý.

12. Dịch vụ thành lập công ty hợp danh

Nếu bạn có nhu cầu thành lập công ty hợp danh thì hãy liên hệ ngay tới STARTUPLAND để được nhận sự tư vấn miễn phí, nhiệt tình từ đội ngũ chuyên nghiệp nhất nhì tại Việt Nam nhé!

13. Kết luận

Vậy là đội ngũ STARTUPLAND đã giúp bạn trả lời những thắc mắc, câu hỏi về công ty hợp danh cũng như một số giấy tờ và thủ tục thành lập công ty hợp danh mà các chủ kinh doanh cần chuẩn bị. Nếu bạn vẫn còn lấn cấn hoặc còn gì đó vẫn chưa hiểu về công ty hợp danh thì hãy để lại bình luận phía bên dưới để chúng tôi hỗ trợ bạn ngay nhé!

Published
Categorized as CEO

By StartupLand

Nội dung tư vấn trong bài viết dựa theo các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm viết bài. Thời điểm Quý độc giả tiếp cận bài viết, các văn bản pháp luật trên có thể đã được thay đổi, bổ sung hoặc hết hiệu lực. Do đó, Quý độc giả có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài 088 880 2358 hoặc email info@startupland.vn để cập nhật tin tức/thông tin/VBPL mới nhất. Trân trọng!

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Exit mobile version