NHỮNG RỦI RO CỦA NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT

Mỗi một doanh nghiệp kể từ khi được khai sinh đều cần phải có người đại diện theo pháp luật (“NĐDTPL“)- người nắm trong tay quyền điều hành và lèo lái hoạt động kinh doanh hằng ngày và cũng được xem là “bộ mặt” của mỗi một doanh nghiệp. Chính vì nắm giữ một vai trò quan trọng nên với những ai đang đảm nhiệm vị trí này đều phải đối mặt với một số rủi ro nhất định. Vậy những rủi ro đó là gì, hãy cùng STARTUPLAND theo dõi kỹ hơn trong bài viết dưới đây nhé!

Người đại diện pháp luật có những rủi ro gì?

Người đại diện theo pháp luật là gì?

Theo quy định tại Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020 thì NĐDTPL là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án cùng các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ của doanh nghiệp.

Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà số lượng NĐDTPL cũng sẽ khác nhau. Đối với công ty TNHH và công ty cổ phần thì pháp luật cho phép doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo có ít nhất một người cư trú tại Việt Nam.

Những rủi ro mà người đại diện theo pháp luật có thể gặp phải

Xuất phát từ trách nhiệm mà pháp luật và doanh nghiệp trao, NĐDTPL đảm nhiệm một vai trò quan trọng đồng thời cũng phải đối mặt với một số rủi ro nhất định về mặt pháp lý và tài chính.

Trách nhiệm người đại diện pháp luật trước pháp luật

Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 13 Luật doanh nghiệp 2020 thì NĐDTPL có các trách nhiệm sau đây:

  • Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
  • Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
  • Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.

Bên cạnh đó, NĐDTPL còn phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các thiệt hại của doanh nghiệp do hành vi vi phạm của mình gây nên.

NĐDTPL là người có thẩm quyền thay mặt doanh nghiệp ký kết mọi thỏa thuận, hợp đồng, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp mà không cần ủy quyền hay chấp thuận nào. Đặc biệt là kể từ khi Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, con dấu doanh nghiệp đã “không còn mang giá trị pháp lý” nữa thì chữ ký của người đại diện theo pháp luật càng đóng vai trò quan trọng hơn.

Những rủi ro về mặt tài chính

Khi thành lập doanh nghiệp, nếu NĐDTPL là thành viên góp vốn hay cổ đông của doanh nghiệp thì theo quy định họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý trên phần vốn góp của mình khi có xảy ra các rủi ro về tài chính. Tuy nhiên, theo Luật doanh nghiệp thì người đại diện không nhất thiết phải là thành viên góp vốn hoặc là cổ đông của công ty. Vậy nên nếu NĐDTPL là người được thuê thì xét về bản chất người đại diện cũng chỉ là một nhân viên “làm công ăn lương” như bình thường. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp xảy ra các rủi ro về tài chính thì NĐDTPL phải liên đới chịu trách nhiệm dựa trên phạm vi nghĩa vụ của mình.

Những rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, nếu doanh nghiệp có các hành vi vi phạm pháp luật như hoạt động không đúng ngành nghề kinh doanh, hoạt động không có giấy phép, vi phạm các nghĩa vụ về thuế… thì NĐDTPL sẽ là người đầu tiên phải đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật. Như đã đề cập bên trên, người đại diện sẽ phải thay mặt doanh nghiệp thực hiện các thủ tục pháp lý như giải trình, nộp phạt hoặc thậm chí là các trách nhiệm hình sự trước trọng tài, tòa án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tóm lại

Mỗi một vị trí, một công việc đều sẽ mang những rủi ro nhất định. Khi quyền hạn và chức vụ càng cao thì đồng nghĩa với việc rủi ro đi kèm cũng sẽ càng cao. Vậy nên trước khi đồng ý trở thành người đại diện cho doanh nghiệp khi, mỗi cá nhân cần nắm rõ các quy định và trách nhiệm mà mình phải gánh chịu để hạn chế những rủi ro không đáng có. Đồng thời cũng phải trau dồi các kiến thức nhất định để thực hiện các trách nhiệm mà công ty trao một cách tối ưu và hiệu quả, mà không vượt quá phạm vi thẩm quyền của mình. Đó cũng là lý do vì sao trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn NĐDTPL là cổ đông, thành viên góp vốn hoặc là người có mối quan hệ mật thiết với “chủ thực sự” của doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả về mặt quản lý đồng thời giảm bớt rủi ro trong quá trình hoạt động.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Exit mobile version