Nhãn hiệu và bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam

dang-ky-bao-ho-nhan-hieu

Trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa, tài sản trí tuệ ngày càng trở nên có giá trị. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước hành vi xâm phạm cũng ngày càng trở nên quan trọng. Hãy cùng STARTUPLAND tìm hiểu về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Từ đó rút ra bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thị trường hiện nay.

Thực trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tại Việt Nam

Nguyên nhân

Hiện nay, hành vi xâm phạm và sử dụng trái phép nhãn hiệu thường xuyên xảy ra tại Việt Nam. Các doanh nghiệp còn xem nhẹ việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, trong đó có nhãn hiệu. Điều này trở thành một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên thị trường. Đây là kẽ hở cho một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để tự nộp đơn đăng ký. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức để khẳng định lại thương hiệu.

Thực trạng

Theo số liệu thống kê sơ bộ vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, số trường hợp vi phạm khoảng vài chục vụ. Tính đến thời điểm hiện tại số liệu đã tăng một cách đáng kể. Cụ thể, vào năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 1344 đơn khiếu nại; trong đó có 1281 đơn khiếu nại đối với nhãn hiệu.

Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu có tính phức tạp và mức độ nghiêm trọng cao. Hành vi đạo nhái những dòng sản phẩm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như dược phẩm, thực phẩm là vô cùng nguy hiểm. Nhiều sản phẩm được làm giả một cách tinh vi khiến cho việc nhận diện gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng tái phạm cũng xảy ra thường xuyên với cách thức cải tiến hơn khiến việc xử lý vi phạm gặp nhiều trở ngại lớn trong khi hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình đổi mới và hoàn thiện.

Các vụ tranh chấp nhãn hiệu tại Việt Nam

Vụ việc tranh chấp nhãn hiệu Hảo Hảo – Hảo Hạng

Năm 2015, Acecook phát hiện một sản phẩm của Asia Foods mang dấu hiệu “Mì Hảo hạng, Tôm chua cay, hình” có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo hảo, Tôm chua cay, hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 62360 ngày 29/04/2005 của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam. Cho rằng thiết kế của mì Hảo Hạng giống hệt với bao bì mì Hảo Hảo của mình, Acecook Việt Nam quyết định kiện ra tòa.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên bố mì Hảo Hạng của Asia Foods có hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ đối với mì Hảo Hảo của Acecook. Do đó Asia Foods phải chấm dứt vi phạm, đăng báo xin lỗi công khai ba kỳ liên tiếp. Tòa cũng tuyên Asia Foods bồi thường 80 triệu đồng chi phí luật sư cho Acecook.

Tuy nhiên, ngày 06/12/2017, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm đã nhận định Asia Foods KHÔNG có hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay, hình” của Acecook. Tòa ra phán quyết bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Acecook Việt Nam. Đồng thời, đình chỉ sử dụng nhãn hiệu mang dấu hiệu “Mì hảo hạng, Tôm chua cay và hình” của Asia Foods.

Vụ việc tranh chấp nhãn hiệu Asano và Asanzo

Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Asano số 107919 ngày 25/08/2008.

Đến năm 2015, Công ty phát hiện trên thị trường có Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam sử dụng nhãn hiệu Asanzo theo GCN số 221067 được cấp ngày 07/03/2014 có kiểu dáng, mẫu mã giống với Asano mà công ty đã được đăng ký bảo hộ.  Vì vậy, Công ty Đông Phương đã gửi khởi kiện vụ việc ra tòa án.

Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM năm 2018 đã tuyên buộc Công ty Asanzo chấm dứt hành vi xâm phạm; xóa bỏ nhãn hiệu Asanzo, hình đã dán trên các sản phẩm; buộc công ty này phải bồi thường số tiền 100 triệu đồng cho Công ty Đông Phương.

Bài học rút ra cho các doanh nghiệp Việt Nam dưới góc độ pháp lý

Nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu càng sớm càng tốt

 Những tranh chấp nhãn hiệu ở Việt Nam sẽ là bài học cảnh tỉnh đối với những doanh nghiệp. Không ai có thể nói trước được điều gì về tương lai của doanh nghiệp. Dù doanh nghiệp đang ở giai đoạn khởi nghiệp thì xác lập quyền đối với nhãn hiệu là cần thiết. Vì thế, cần coi trọng và bảo vệ quyền này. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là con đường ngắn nhất để bảo vệ quyền đối với nhãn hiệ

Đây là chìa khóa để các doanh nghiệp có chiến lược bảo vệ thương hiệu của mình tốt hơn, không để nó rơi vào tay người khác. Doanh nghiệp nên khẳng định quyền đối với nhãn hiệu của mình trong thiết kế logo ban đầu. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ bảo vệ doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp.

Nên chuẩn bị và trau dồi kiến thức về sở hữu trí tuệ nói chung và quyền đối với nhãn hiệu nói riêng

Nhiều chuyên gia đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng kiến thức sở hữu trí tuệ. Hiện nay, văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp vẫn còn thấp. Rất nhiều doanh nghiệp không nắm rõ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành. Chuẩn bị kiến thức về sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp tiến xa hơn không chỉ trong nước và còn vươn xa thị trường quốc tế.

Khi có tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp mất nhiều hơn là được. Cái giá phải trả không chỉ là tiền, mà còn là thời gian, sức lực, tâm trí, cơ hội kinh doanh, uy tín, khách hàng. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải được trang bị vững kiến thức để có thể dự liệu và kiểm soát những tình huống pháp lý bất lợi nhất.

Việc nắm vững kiến thức về sở hữu trí tuệ giúp doannh nghiệp tôn trọng giá trị trí tuệ. Từ đó giảm thiểu các hành vi vi phạm đối với nhãn hiệu theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ . Khi bảo vệ được quyền và lợi ích của các doanh nghiệp thì xã hội mới phát triển ổn định.

Kết luận:

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là vô cùng quan trọng. Điều này giúp khách hàng phân biệt được các doanh nghiệp với nhau; từ đó tăng uy tín và chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Chuẩn bị các kiến thức về nhãn hiệu là cơ sở để bảo vệ doanh nghiệp trước tranh chấp.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Exit mobile version