Mối lo từ việc cố tình đặt tên dễ gây nhầm lẫn tên thương hiệu, nhãn hiệu đã có

hau-qua-kinh-te-dat-ten-thuong-hieu

Khi nền kinh tế phát triển, sự mở rộng của đa ngành nghề, số lượng doanh nghiệp tăng lên mạnh mẽ. Vậy nên việc đặt tên gọi giữa các thương hiệu và công ty đôi khi khiến chúng ta là người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn. Và đó cũng là mối lo từ các thương hiệu lớn đã có tiếng tăm trên thị trường. Chỉ vì cách đặt tên gọi dễ gây nhầm lẫn thương hiệu mà có thể ảnh hưởng tới uy tín và lòng tin của người tiêu dùng.

Thực trạng về vấn đề đặt tên dễ gây nhầm lẫn của các nhãn hiệu

Những cái tên tương tự nhau dễ gây nhầm lẫn về các thương hiệu, vốn đã không hề hiếm gặp trong cuộc sống mỗi ngày. Đơn giản là hãy thử dạo bộ trong các quầy kệ siêu thị, bạn sẽ có thể bắt gặp cả biển thương hiệu xếp san sát nhau, thậm chí có những cái tên còn gây nhầm lẫn về cách đọc, cách viết.

Khi mà vấn đề bản quyền ngày một được đề cập nhiều hơn, sự phổ cập các thông tin về vấn đề pháp luật mới khiến nhiều người “ngã ngửa”. Bởi một thực tế, nhiều người trong chúng ta vẫn coi đó là điều hiển nhiên, sự thiếu hiểu biết pháp luật chính là một vết thương chí mạng.

Nhìn đơn giản vào một chuỗi nhãn hiệu có phần nhang nhác nhau. Điển hình như dưới đây

Abibos, adidas, daiads, didasa, admimas,… tất cả đều dễ khiến ta liên tưởng tới thương hiệu thời trang Adidas nổi tiếng. Các mặt hàng buôn bán giá rẻ như giày dép được làm lại dựa trên form bản gốc của thương hiệu và đổi chút tên đi, đổi chút thiết kế logo đi là có thể mặc nhiên coi như không hề liên quan đến bản thể gốc. Dễ dàng ra ngoài chợ bạn sẽ thấy cả biển dép lê có tên adidas, với kiểu dáng tương tự dép hàng hiệu, mà theo cư dân mạng nói hiện nay đó là “hàng pha ke”.

Hành vi gây nhầm lẫn cạnh tranh có thể mang tới hậu quả khôn lường thế nào

Đối với các mặt hàng tiêu dùng không quá ảnh hưởng như quần áo, giày dép thì có thể không đáng nói. Nhưng những thứ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe như đồ ăn, thức uống, thuốc và mỹ phẩm thì sao, đó sẽ là một câu chuyện khác.

Một câu chuyện thú vị ngày Tết là như thế này: đi ra cửa hàng tạp hóa để mua bánh trái về thắp hương bàn thờ ngày Tết nhưng lại hoang mang trước cả biển nhãn hiệu sản phẩm bánh: Tipo, Tippo, chocopie của Orion với choco-pai của Original. Vì đi mua hàng vội vàng có mấy ai để ý đâu, trông bao bì nhang nhác nhau rồi lại còn màu tên hương hiệu nữa, đến người trẻ như mình còn nhầm chứ nói đâu xa là các bác, các cô. Mà đừng quên ta còn còn cả biển tên của bánh hộp thiếc Danisa huyền thoại nữa: Damisa, Danish, Darmisa, Damiisa,… Phải nói có cả đủ mọi thứ tên nhìn chả khác gì nhau gây nên nhiều câu chuyện hài hước ngỡ ngàng lúc bóc mở bánh.

Hậu quả “sương sương” có thể kể đến như:

Hậu quả với người tiêu dùng: thiệt hại tài chính, sức khỏe, tâm lý (bực bội, chán nản)

Hậu quả với nhãn hàng: mất khách hàng, làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu, kéo theo sự suy giảm về lợi nhuận. Người tiêu dùng lo sợ vì mua phải hàng giả hàng nhái nhầm lẫn thương hiệu nên hạn chế hành vi mua sắm hơn và tìm các sản phẩm thay thế.

Hậu quả với kinh tế: Sự hỗn loạn thị trường, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng, thiệt hại về kinh tế cũng như phúc lợi của kinh tế.

Đặt tên dễ gây nhầm lẫn thương hiệu được xếp vào hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo luật pháp Việt Nam


Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung 2009 thì “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”

Theo Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, các hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại (bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hóa) gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh. Hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ. Hoặc gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng. Hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ được xem là một “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh”.

Cụ thể hơn, tại Điều 11.3 của Nghị định 105/2006/NĐ-CP đã xác định tiêu chí để một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau. Hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc. Và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định về “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh” là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại. Và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại. Hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Theo đó có thể thấy rằng các doanh nghiệp trong cùng một thị trường liên quan và có sử dụng nhãn hiệu có tên dễ gây nhầm lẫn khi đủ yếu tố cấu thành được xếp vào hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam.

Kết luận:

Đặt tên thương hiệu, nhãn hiệu dễ gây nhầm lẫn là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vừa làm chậm lại nền kinh tế, gây ra sự mất lòng tin với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Ngoài ra các doanh nghiệp công ty hãy tìm hiểu kỹ về vấn đề pháp lý về bảo hộ tên thương mại, bảo hộ nhãn hiệu. Đây là quyền lợi của doanh nghiệp để được pháp luật bảo vệ trong nhiều trường hợp cạnh tranh không lành mạnh.

By StartupLand

Nội dung tư vấn trong bài viết dựa theo các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm viết bài. Thời điểm Quý độc giả tiếp cận bài viết, các văn bản pháp luật trên có thể đã được thay đổi, bổ sung hoặc hết hiệu lực. Do đó, Quý độc giả có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài 088 880 2358 hoặc email info@startupland.vn để cập nhật tin tức/thông tin/VBPL mới nhất. Trân trọng!

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Exit mobile version