Những điểm mới của Luật đầu tư 2014

Những điểm mới của Luật đầu tư 2014 so với Luật đầu tư 2005

Một trong những vướng mắc lớn nhất của Luật đầu tư 2005 là tình trạng chồng chéo với Luật Doanh nghiệp 2005. Theo quy định luật này, trong trường hợp thực hiện dự án đầu tư gắn với việc thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư bao gồm cả nội dung đăng ký kinh doanh và đăng ký doanh nghiệp. Khi đó, giấy chứng nhận đầu tư cũng đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp rơi vào tình trạng một cổ hai tròng, vừa phải tuân thủ Luật đầu tư vừa phải tuân thủ Luật doanh nghiệp.Trước những bất cập trên, Luật đầu tư 2014 ra đời thay thế cho Luật đầu tư 2005 tiến hành nhiều cải cách, thay đổi lớn nhằm xóa bỏ bất cập trong những quy định của luật này.

Luật đầu tư 2014 đã tách nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp ra khỏi giấy chứng nhận đầu tư (hiện nay là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư), chỉ thể hiện nội dung dự án đầu tư, còn việc nội dung đăng ký kinh doanh sẽ do Luật doanh nghiệp điều chỉnh.

1. Khái niệm đầu tư

Theo quy định của Luật đầu tư 2014 tại khoản 5 điều 3 “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư”.

Ø    Như vậy Luật đầu tư 2014 đã sử dụng khái niệm đầu tư kinh doanh để thay thế khái niệm đầu tư trực tiếp, gián tiếp. Khi Luật đầu tư 2014 có hiệu lực sẽ không còn phân biệt giữa đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Từ ngay thuật ngữ chỉ khái niệm đầu tư cũng được chú trọng để tránh gây sự bất tiện trong việc phân loại đầu tư bởi mục đích cuối cùng mà nhà đầu tư hướng tới ở đây là được cấp chứng nhận đầu tư để mau chóng tiến hành những ý định của mình một các hợp pháp chứ không phải ở sự phân biệt trong cách phân loại rườm rà.

Điều 3 Luật đầu tư 2005 phân chia ra từng trường hợp về đầu tư:

1. Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

3. Đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

 

 

2. Ngành nghề đầu tư kinh doanh

Luật đầu tư 2014 giới hạn về ngành nghề kinh doanh (Điều 6 khoản 1 cấm các trường hợp):

a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Quy định này đã phần nào thể chế hóa Hiến Pháp (điều 33, Hiến Pháp) “Mọi người có quyền tự do kinh doanh những nghành nghề mà pháp luật không cấm” và  khẳng định trong điều 5 của Luật đầu tư 2014  quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề mà luật không cấm. Như vậy Luật đầu tư 2014 đã không còn nói chung chung nữa, đã đi vào cụ thể từng trường hợp cấm không được hoạt động kinh doanh, đầu tư.

Luật đầu tư 2005 không đưa ra trường hợp nào cụ thể để nói lên việc không được cấp chứng nhận kinh doanh đầu tư mà nói chung chung mơ hồ một cách không rõ ràng “Nhà đầu tư được đầu tư trong các lĩnh vực và ngành, nghề mà pháp luật không cấm; được tự chủ và quyết định hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Vì vậy làm cho người có ý định đầu tư e dè, trở ngại trong việc tìm hiểu đâu là quy định pháp luật Việt Nam cấm, quy định nào cho phép hoạt động gây tốn kém, mất thời gian tìm hiểu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Luật đầu tư 2014 quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện đi kèm theo phụ lục 4: gồm 267 ngành nghề. Như vậy ở Luật đầu tư 2014 đã cụ thể hóa những nghành nghề đầu tư kinh doanh cần đáp ứng điều kiện nhất định để có thể lập hồ sơ đăng ký với cơ quan chức năng. Từ điểm mới này cho thấy sự nắm bắt được những bất cập của luật cũ và tránh làm mất thời gian của nhà đầu tư.

Cơ sở pháp lý: điều 7 Luật đầu tư 2014

Số lượng 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể khiến nhiều người cho rằng Luật đầu tư 2014 mở rộng phạm vi ngành nghề kinh doanh có điều kiện, so với 9 lĩnh vực đầu tư có điều kiện hiện nay. Thật ra Luật đầu tư 2005 chỉ liệt kê chung chung các ngành nghề có điều kiện, còn Luật đầu tư 2014 chỉ tổng hợp và làm rõ hơn danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện vốn đã được liệt kê trong vô số các văn bản chuyên ngành khác.

Theo đó, kể từ nay các cơ quan nhà nước không còn quyền tự đặt ra các nghề kinh doanh có điều kiện, trừ khi được Quốc Hội chấp thuận bằng việc sửa đổi Luật đầu tư. Chắc chắn việc sửa luật sẽ không dễ dàng như sửa một nghị định cấp Chính phủ hoặc một thông tư cấp bộ. Do vậy, nhà đầu tư có thể yên tâm rằng danh sách này sẽ không dài ra một cách nhanh chóng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Luật đầu tư 2005 không có quy định nào rõ ràng như vậy.

Điều 29. Lĩnh vực đầu tư có điều kiện

1. Lĩnh vực đầu tư có điều kiện bao gồm:

a) Lĩnh vực tác động đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

b) Lĩnh vực tài chính, ngân hàng;

c) Lĩnh vực tác động đến sức khỏe cộng đồng;

d) Văn hóa, thông tin, báo chí, xuất bản;

đ) Dịch vụ giải trí;

e) Kinh doanh bất động sản;

g) Khảo sát, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên; môi trường sinh thái;

h) Phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo;

i) Một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, ngoài các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện còn bao gồm các lĩnh vực đầu tư theo lộ trình thực hiện cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư trong các lĩnh vực không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nhưng trong quá trình hoạt động, lĩnh vực đã đầu tư được bổ sung vào Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư vẫn được tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực đó.

4. Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước trong trường hợp các nhà đầu tư Việt Nam sở hữu từ 51% vốn Điều lệ của doanh nghiệp trở lên.

5. Căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ và phù hợp với các cam kết trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ quy định Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, các điều kiện liên quan đến việc thành lập tổ chức kinh tế, hình thức đầu tư, mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực đối với đầu tư nước ngoài.

4. Thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

Theo điều 23 Luật đầu tư 2014

Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.

So với Luật đầu tư 2005 thì bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cũng phải tiến hành thủ tục đầu tư cho dù tỷ lệ vốn điều lệ lớn hay nhỏ. Đây là điểm mới nhằm nới lỏng thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, trước đây trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam dù trên 51% vẫn được xem là doanh nghiệp Việt Nam. Nay theo Luật đầu tư 2014, trường hợp này cần tiến hành thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Điều 46 Luật đầu tư 2005 quy định.

Thủ tục đăng ký đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài

1. Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư dưới ba trăm tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

2. Hồ sơ đăng ký đầu tư bao gồm:

a) Văn bản về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này;

b) Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư;

c) Hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng BCC, Điều lệ doanh nghiệp (nếu có).

3. Cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký đầu tư hợp lệ.

 

 

 

 

 

5. Thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư

Điều 37 Luật đầu tư 2014 quy định:

Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư (điều 37) là năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư; còn đối với các dự án khác là 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận đủ hồ sơ:

“1. Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.

2. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định sau đây:

a) Nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này cho cơ quan đăng ký đầu tư;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do”.

– Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận đủ hồ sơ (Điều 40).

”đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do”.

Có thể nói, thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được Luật đầu tư 2014 rút ngắn đáng kể so với Luật đầu tư 2005. Đây cũng là qui định góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế và quốc gia của các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.

Điều 47 Luật đầu tư 2005:

“Thời hạn thẩm tra đầu tư không quá ba mươi ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp cần thiết, thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá bốn mươi lăm ngày”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6. Ưu đãi đầu tư

Luật 2014 có chính sách ưu đãi  đối với nhà đầu tư hơn hẳn so với luật cũ trong lĩnh vực thuế, thuế suất (Điều 15).

a) Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;

b) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;

c) Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

Quy định thêm các đối tượng ưu đãi đầu tư: dự án có quy mô vốn từ 6000 tỷ đồng trở lên, dự án đầu tư tại vùng nông thôn có sử dụng từ 500 lao động trở lên.

Thêm vào đó là khi Văn bản pháp luật mới ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án (Điều 13).

Mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư (điều 16):

–    Ngành, nghề ưu đãi đầu tư: ngoài những lĩnh vực quy định ở Luật Đầu tư 2005 thì Luật Đầu tư 2014 bổ sung thêm những ngành, nghề sau:

+ Sản xuất sản phẩm điện tử , sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ôtô, phụ tùng ôtô, đóng tàu.

+ Sản xuất sản phẩm công nghệ hổ trợ cho ngành dệt may, da giày và các sản phẩm trên.

+ Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số.

+Thu gom, xử lý, tái chế hoặc sử dụng chất thải.

+ Quỹ tính dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

– Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

– Dự án đầu tư tại nông thôn sử dụng 500 lao động trở lên.

Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho nhà đầu tư qua nhiều hình thức khác nhau (Điều 19), đặc biệt có nhiều gói hỗ trợ mà luật 2005 chưa đề cập tới như hỗ trợ tín dụng …

 

 

 

Luật 2005 chỉ nói ưu đãi nhưng không cụ thể mặc dù liệt kê rất nhiều nhưng còn chung chung… Luật này quy định về ưu đãi ở các điều 32 – điều 39.

Có thể nói rằng Luật 2005 cách quy định và diễn giải luật, điều luật chưa thực sự tốt làm cho nhà đầu tư phải gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu những ưu đãi của nhà nước Việt Nam để nộp đơn xin cấp chứng nhận đầu tư. Để khắc phục và nâng cao những chính sách của nhà nước trong thời kỳ hội nhập, nhằm thu hút đầu tư không chỉ trong nước mà hướng tới đầu tư của người nước ngoài nhằm phát triển kinh tế thì Luật 2014 ra đời và điều chỉnh vấn đề này một cách triệt để hơn rất nhiều.

Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư còn hạn chế: (Điều 32. Đối tượng và điều kiện ưu đãi đầu tư)

1. Nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 27 và Điều 28 của Luật này được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

Điều 27. Lĩnh vực ưu đãi đầu tư

1. Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo.

2. Nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; làm muối; sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng và giống vật nuôi mới.

3. Sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại; bảo vệ môi trường sinh thái; nghiên cứu, phát triển và ươm tạo công nghệ cao.

4. Sử dụng nhiều lao động.

5. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, các dự án quan trọng, có quy mô lớn.

6. Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục, thể thao và văn hóa dân tộc.

7. Phát triển ngành, nghề truyền thống.

8. Những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác cần khuyến khích.

Điều 28. Địa bàn ưu đãi đầu tư

1. Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

7. Hợp đồng BCC

Trong Luật đầu tư 2005, loại hợp đồng BCC không được quy định chi tiết cụ thể từng nội dung, hiện nay luật 2014 quy định từng nội dung cụ thể trong hợp đồng này. Việc quy định rõ ràng này giúp cho các chủ thể đầu tư khi ký kết, hợp tác với nhau cơ sở pháp lý ràng buộc hơn, tạo niềm tin vào đối tác bởi pháp luật đã có quy định rõ ràng:

“1. Hợp đồng BCC gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;

b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

3. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật”.

Luật đầu tư 2014 ra đời thể hiện một bước ngoặt lớn trong cải cách tư pháp, hy vọng rằng với sự cách tân, đổi mới từ nhìn nhận của Nhà nước trong việc chú trọng phát triển kinh doanh, đầu tư thì Luật đầu tư 2014 sẽ giải quyết được những tồn tại, giúp nhà đầu tư ra quyết định kịp thời và có lợi thế hơn trong kinh doanh.

Xem thêm bài viết “Những điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014 so với Luật doanh nghiệp 2005“.

Tác giả: LS. Vũ Tuấn Anh

By StartupLand

Nội dung tư vấn trong bài viết dựa theo các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm viết bài. Thời điểm Quý độc giả tiếp cận bài viết, các văn bản pháp luật trên có thể đã được thay đổi, bổ sung hoặc hết hiệu lực. Do đó, Quý độc giả có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài 088 880 2358 hoặc email info@startupland.vn để cập nhật tin tức/thông tin/VBPL mới nhất. Trân trọng!

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Exit mobile version