Doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì?

doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe

Ngày nay khoa học công nghệ phát triển, loại hình khoa học công nghệ được quan tâm nhiều. Vậy doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì? Loại hình này yêu cầu những điều kiện nào? Hãy cùng STARTUPLAND tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì?

Theo quy định tại Điều 58 Luật Khoa học và công nghệ 2013:

Doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) là doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh các loại sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cũng như tiến hành thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đây là loại hình doanh nghiệp rất đặc thù. Vì vậy, thủ tục thành lập doanh nghiệp KHCN sẽ có nhiều quy định riêng.

Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ là gì? (“GCN DNKH&CN)

  • GCN DNKH&CN là cơ sở thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp.
  • GCN DNKH&CN có hiệu lực trên toàn quốc.
  • Đây là căn cứ pháp lý để nhà nước áp dụng ưu đãi đầu tư. Cụ thể ưu đãi được quy định tại Nghị định 13/2019/NĐ-CP.

Những vấn đề pháp lý về doanh nghiệp khoa học công nghệ

Điều kiện thành lập doanh nghiệp KHCN là gì?

Căn cứ Điều 6 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN gồm có:

  •  Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
  •  Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN. Kết quả này được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.
  • Đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu. Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên: có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN; đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. Đối với doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm: không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.

Doanh nghiệp tự kê khai trong hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN về tỷ lệ doanh thu. Có thể kê khai theo kết quả kinh doanh của quý hoặc năm. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của thông tin. Cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo tình hình sản xuất; kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN hàng năm để thực hiện việc quản lý, rà soát, bảo đảm doanh nghiệp duy trì được điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ

Hồ sơ

  • Giấy đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
  • Văn bản xác nhận, công nhận kết quả KH&CN của cơ quan có thẩm quyền.
  • Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN.

Thủ tục

Doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện như đã quy định. Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ về Sở Khoa học và Công nghệ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính HOẶC Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. (Xem thêm tại Điều 5 Nghị định 13/2019/NĐ-CP). Hồ sơ được nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc trực tuyến.

Kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền trả lời doanh nghiệp về tính hợp lệ của hồ sơ. Trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung và thời hạn sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa hợp lệ
  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
  • Trường hợp kết quả khoa học và công nghệ có liên quan đến nhiều ngành nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau có nội dung phức tạp cần mời chuyên gia hoặc thành lập hội đồng tư vấn thẩm định, đánh giá, thời hạn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Các ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì?

  • Hưởng chế độ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
  • Được trừ các khoản chi phí hợp lý về thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu KHCN
  • Được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.
  •  Hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ và các quỹ khác theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.
  • Ưu tiên trong việc sử dụng trang thiết bị nghiên cứu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu KHCN
  •  Được hỗ trợ các dịch vụ tư vấn, đào tạo của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp do các cơ quan nhà nước thành lập.
  •  Được Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và Ủy ban nhân dân các địa phương ưu tiên cho thuê đất, cơ sở hạ tầng với mức giá thấp nhất theo quy định.
  • Được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định

Kết luận:

Trên đây là các thông tin pháp lý về doanh nghiệp khoa học công nghệ. Các ưu đãi của nhà nước sẽ hỗ trợ thúc đẩy loại hình này ngày càng phát triển. Điều này sẽ giúp nền kinh tế và tri thức nước nhà ngày càng vươn xa.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Exit mobile version