Đăng ký quyền tác giả – Nên hay không?

Tác quyền hay còn gọi là quyền tác giả, là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (Xem thêm tại Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005). Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Tác quyền phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Thủ tục đăng ký liệu có phức tạp? Hãy cùng STARTUPLAND tìm hiểu về vấn đề này nhé.

  1. Tại sao phải đăng ký quyền tác giả

Để tạo ra một tác phẩm, tác giả phải đầu tư rất nhiều thời gian, tài chính, công sức và trí óc, chính vì vậy tác phẩm được xem là đứa con tinh thần của tác giả. Pháp luật Việt Nam rất ủng hộ việc cá nhân, tổ chức đăng ký quyền tác giả để bảo vệ những đứa con tinh thần để nếu như khi có xảy ra tranh chấp thì những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học đó sẽ được bảo vệ.

Việc đăng ký tác quyền là sự chứng nhận cho khả năng sáng tạo của con người, bằng việc trao cho tác giả các phần thưởng xứng đáng, động viên tinh thần làm việc cho người sáng tạo. Bên cạnh đó, pháp luật đảm bảo cho người sáng tạo ra tác phẩm chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm: như ăn trộm, sao chép, lạm dụng tác phẩm…

Nếu tác giả, chủ sở hữu không đăng ký, thì khi có tranh chấp xảy ra các chủ thể này phải có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm đó, tức phải tự mình cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm. Trong nhiều trường hợp việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chứng minh quyền của mình là rất khó, thậm chí không thể chứng minh được mình là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm có tranh chấp.

đăng ký quyền tác giả nên hay không nên
Đăng ký quyền tác giả nên hay không nên
  1. Điều kiện bảo hộ quyền tác giả

Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu nó.

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tác giả là người trực tiếp tạo ra tác phẩm, không phải là người hướng dẫn, đóng góp, kể lại. Tác giả có thể đồng thời là chủ sở hữu, có thể không. Lưu ý, tác giả chỉ có thể là cá nhân, không thể là tổ chức.

Tác phẩm được bảo hộ quy định tại phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

   3 .Hồ sơ và thủ tục

a. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả bao gồm

  • Tờ khai đăng ký;
  • Hai bản sao tác phẩm muốn đăng ký;
  • Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
  • Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu tác phẩm thuộc sở hữu chung;
  • Giấy cam đoan quyền chủ sở hữu tác phẩm của tác giả hoặc chủ sở hữu;
  • 03 Bản sao CMND/Hộ chiếu (nếu là cá nhân), bản sao y Giấy phép đăng ký kinh doanh (tổ chức).
Hồ sơ thủ tục chuẩn bị để đăng ký quyền tác giả

b. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký tác quyền

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ.

  1. Thời hạn bảo hộ

Tác quyền phân thành hai loại là quyền nhân thân và quyền tài sản.

a. Quyền nhân thân

  • Đặt tên cho tác phẩm
  • Đứng tên thật hoặc Bút danh trên tác phẩm
  • Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả

b. Quyền tài sản

Căn cứ theo Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về thời hạn bảo hộ tác quyền như sau:

Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

Tác phẩm không thuộc loại hình đã nêu trên có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ.

Kết:

Thủ tục đăng ký tác quyền không quá phức tạp và chi phí rất nhỏ so với lợi ích thiết thực mang lại. Vì vậy, khi sáng tạo ra tác phẩm, đặc biệt các tác phẩm có giá trị thương mại và nhiều khả năng bị sử dụng trái phép, chiếm đoạt thì tác giả, chủ sở hữu nên nhanh chóng thực hiện đăng ký.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Exit mobile version