Công ty hợp danh

Ở những bài viết trước chúng tôi đã giới thiệu về cơ bản những loại hình doanh nghiệp khác nhau với mong muốn giúp quý vị hiểu thêm về quy định của pháp luật dành cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh. Bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu cho các bạn thêm một loại hình doanh nghiệp rất thịnh hành ở trên thế giới hàng chục thập kỷ trước, nhưng ở Việt Nam còn chưa phổ biến – Công ty hợp danh.

Lý do công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp chưa phổ biến ở nước ta là bởi vì loại hình hợp danh nghe khó hiểu và không thịnh hành, đồng nghĩa với cách hiểu loại hình này không có lợi thế so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Nhưng chúng tôi phải nói rằng đây là một loại hình doanh nghiệp rất hay với nhiều ưu thế mà các loại hình khác không thể có, cùng tìm hiểu những lý do tại sao nên áp dụng loại hình này vào kinh doanh?

THAM KHẢO BÀI VIẾT: 

Khái niệm về công ty hợp danh:

+ Theo quy định tại Điều 172 Luật doanh nghiệp 2014 thì công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó phải có ít nhất hai thành viên góp vốn thành lập được gọi là các đồng chủ sở hữu, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh).

+ Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty còn thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Quy định của pháp luật: Công ty hợp danh được Luật doanh nghiệp 2014 quy định từ Điều 172 đến Điều 182 và trong các văn bản dưới luật khác.

Đặc điểm của công ty hợp danh:

+ Thành viên:

Đối với loại hình công ty hợp danh yêu cầu về số lượng thành viên ít nhất phải từ hai trở lên (thành viên hợp danh) thành viên bắt buộc phải là cá nhân chứ không thể là tổ chức như các loại hình khác bởi chế độ chịu trách nhiệm do người quản lý gánh vác khi có phát sinh. Ngoài thành viên hợp danh thì loại hình này còn có các thành viên góp vốn khác, chế độ với thành viên góp vốn không bắt buộc phải là cá nhân như đối với thành viên hợp danh (thành viên sáng lập).

Ngay từ cái tên hợp danh đã đưa tới chúng ta một định nghĩa “hợp danh” nghĩa là hợp sức, hợp tác giữa các chủ thể kinh doanh lại lập nên một “danh nghĩa” pháp lý cho pháp nhân – loại hình doanh nghiệp – công ty hợp danh. Ở đây các thành viên sẽ cùng nhau góp vốn, chung sức xây dựng một công ty trên cơ sở hợp tác cùng phát triển nhằm tìm kiếm một đích đến duy nhất đó chính là lợi nhuận.

Vậy tại sao thành viên hợp danh bắt buộc phải là cá nhân mà không thể là tổ chức, trong khi đó thành viên góp vốn thì không bắt buộc điều này?

Đây là một đặc điểm khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp còn lại!

Điều này xuất phát từ quy định của pháp luật về chế độ trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của từng chủ thể với tư cách thành viên khác nhau mà khác nhau tạo nên sự độc đáo này:

  • Thành viên hợp danh là người có trình độ, có uy tín nghề nghiệp, chịu trách nhiệm vô hạn đối với các hoạt động của mình. Đây là một vấn đề liên quan đến trách nhiệm của công ty hợp danh và các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh. Có ý kiến cho rằng, công ty hợp danh không thể là “một pháp nhân” với lý do là thành viên công ty hợp danh chịu “trách nhiệm vô hạn” (giống đặc điểm của Doanh nghiệp tư nhân). Tuy nhiên, quan điểm hiện đại cho rằng sự cần thiết và có thể tách bạch rõ “tài sản độc lập” của pháp nhân công ty hợp danh với trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn của thành viên và công ty hợp danh. Do vậy, Luật doanh nghiệp 2014 vẫn khẳng định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  • Thành viên góp vốn là thành viên chỉ góp vốn vào công ty và chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn góp của mình.
công ty hợp danh
công ty hợp danh
+ Vốn:

Vốn của công ty hợp danh do các thành viên hợp danh đóng góp, ngoài ra còn có vốn của các thành viên góp vốn.

Vốn được góp do ý chí của các bên, tuân theo một “thỏa thuận ngầm” trước đó rằng phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết.

Nếu thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.

Cũng tương tự như thành viên hợp danh thì các thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

Vốn được góp đủ thì công ty phải cấp giấy chứng nhận góp vốn tương ứng với phần vốn mà các thành viên đã góp tuân theo quy định của pháp luật hiện hành.

+ Tài sản công ty:

Tài sản của công ty độc lập với cá nhân, tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng chính tài sản đó.

Một tổ chức có tài sản độc lập có nghĩa là tài sản của nó được hình thành theo quy định tương ứng của pháp luật và đương nhiên thuộc về sở hữu của tổ chức, tất cả các tài sản của tổ chức đều mang danh của tổ chức đó.

Thực tế hiện nay, có công ty hợp danh đã nhân danh mình đăng ký sở hữu tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký như quyền sử dụng đất, công trình xây dựng, phương tiện vận tải… Các tài sản đó đương nhiên thuộc quyền sở hữu của công ty và hoàn toàn tách biệt với tài sản cá nhân của từng thành viên.

+ Trách nhiệm:

Công ty hợp danh là tập hợp các cá nhân là những người có chuyên môn cao, có uy tín và họ dùng chuyên môn, uy tín của mình vào hoạt động kinh doanh cũng như làm nền tảng quyết định sự thành công trong kinh doanh. Do đó, họ phải dùng toàn bộ tài sản của mình để bảo đảm chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp cho thị trường.

Tùy thuộc vào điều lệ công ty, các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn ngay từ đầu trong các hoạt động của mình hay chỉ phải thực hiện khi tài sản của công ty không đủ thanh toán các khoản nợ.

Như vậy, chủ nợ có quyền căn cứ vào Điều lệ công ty yêu cầu thành viên công ty hợp danh thanh toán nợ cho mình bằng tài sản của thành viên công ty hợp danh không đưa vào kinh doanh.

Theo quy định tại điều 175 Luật doanh nghiệp 2014, thì thành viên hợp danh bị hạn chế một số vấn đề bao gồm:

“1. Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

2. Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

3. Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.”

Trên cơ sở đã phân tích theo quy định của pháp luật hiện hành chúng tôi xin đưa ra nhận xét như sau:

Ưu điểm:

Công ty hợp danh không có bộ máy quản lý tập trung như đối với các loại hình công ty khác, các thành viên hợp danh trực tiếp quản lý điều hành công ty. Vì vậy, bất kỳ thành viên hợp danh nào cũng có quyền đại diện cho công ty. Ngược lại, công ty cũng có quyền đại diện cho các thành viên hợp danh.

Khi một thành viên của công ty ký kết một hợp đồng với tổ chức, cá nhân ngoài công ty thì hợp đồng đó có hiệu lực đối với công ty và các thành viên hợp danh công ty hợp danh khác trong công ty mà không phụ thuộc vào việc những thành viên này có đồng ý hay không. Điều này tạo sự chủ động trong hợp tác kinh doanh.

Nhược điểm:

Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao. Các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ phần vốn góp và tài sản của mình cho các rủi ro.

—–

Công ty hợp danh là một loại hình doanh nghiệp còn mới lạ ở Việt Nam, nếu các cá nhân có mối quan hệ thân thiết, tin tưởng, cùng nhau hợp tác thì đây là một loại hình kinh doanh rất có lợi bởi những lợi thế mà nó đem lại là vô cùng lớn.

Loại hình này đòi hỏi sự năng động trong hoạt động điều hành quản lý cũng như việc tự chịu trách nhiệm đối việc mà thành viên đã thực hiện góp phần làm cho ý thức của các thành viên luôn ở trong mức cao nhất bởi nếu làm thiệt hại thì chính bản thân họ phải chịu trách nhiệm bằng cả tài sản riêng của mình, nếu sinh lời thì họ sẽ có “phần thưởng” xứng đáng.

Hy vọng với những đánh giá, phân tích của StartupLand trên đây sẽ giúp quý vị hiểu hơn về loại hình công ty hợp danh.

Quý khách có nhu cầu đăng ký thành lập công ty doanh nghiệp: Đăng ký tại đây!

Tác giả: LS. Vũ Tuấn Anh

Published
Categorized as CEO

By StartupLand

Nội dung tư vấn trong bài viết dựa theo các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm viết bài. Thời điểm Quý độc giả tiếp cận bài viết, các văn bản pháp luật trên có thể đã được thay đổi, bổ sung hoặc hết hiệu lực. Do đó, Quý độc giả có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài 088 880 2358 hoặc email info@startupland.vn để cập nhật tin tức/thông tin/VBPL mới nhất. Trân trọng!

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Exit mobile version